Không đăng ký tạm trú, chủ nhà trọ hay người thuê bị phạt?
Hiện nay, ở các thành phố lớn lượng người thuê trọ là rất đông, nếu không đăng ký tạm trú, chủ trọ hay người thuê trọ bị phạt? Có lẽ, đây là câu hỏi mà không ít người quan tâm, LuatVietnam sẽ giải đáp vấn đề này dưới đây:
Không đăng ký tạm trú, chủ trọ hay người thuê trọ bị phạt?
Theo điểm a, khoản 1, Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Đồng thời, tại khoản 4, Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Theo đó, cả chủ trọ và người thuê trọ đều bị xử phạt nếu không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú.
Riêng người cho thuê trọ sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê trọ
Theo Điều 30 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến, phải đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn.
Như vậy, người thuê trọ phải có nghĩa vụ đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật chứ không nhất thiết phải là chủ nhà.
Tuy nhiên, thông thường là chủ trọ đi làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê trọ. Hồ sơ đăng ký tạm trú gồm có :
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp).
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên.
- Xuất trình CMND hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú.