Cảnh báo: Tinh vi thủ đoạn lừa gạt khi thuê nhà trọ và cách phòng tránh
Tìm được chỗ ở để thuận tiện cho việc học và làm luôn là nhu cầu cần thiết của những người sống xa nhà, đặc biệt là sinh viên. Tuy nhiên, để không bị chủ trọ lừa dẫn đến “tiền mất tật mang”, các bạn cần biết những chiêu trò lừa đảo dưới đây.
Mùa hè, nhu cầu tìm nhà trọ của các bạn sinh viên tăng mạnh. Nắm bắt được điều này, các chủ nhà trọ có rất nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa tiền người thuê, nhất là các bạn sinh viên nhẹ dạ. Đã có quá nhiều các trường hợp bị lừa gạt mất tiền khi thuê nhà trọ. Vậy những chiêu trò lừa đảo thường thấy đó là gì và cách phòng tránh như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua trong bài viết này nhé.
1Những chiêu trò lừa đảo thường gặp khi thuê trọ
Lừa tiền cọc bằng hợp đồng
Kịch bản chung cho mánh khóe này là chủ trọ hoặc đồng bọn của chúng đưa ra phòng giá thấp với đầy đủ tiện nghi lý tưởng: phòng sạch đẹp, có chìa khóa riêng, có wifi và giữ xe cho người thuê, gần trường, chợ... Khi khách xem trọ xem xét và thỏa thuận vừa ý thì không được lập tức ký hợp đồng thuê ngay, mà sẽ bị yêu cầu đặt tiền cọc để "giữ phòng". Sau đó chúng hẹn người thuê đến ký hợp đồng nhận phòng vào một ngày khác.
Nếu người thuê muốn ký hợp đồng ngay lúc đó thì chủ trọ hoặc đồng bọn sẽ có những lí do thường thấy như "hiện tại người thuê cũ chưa dọn ra ngoài", "chủ trọ đang không có ở nhà để đứng ra ký tên". Tiền đặt cọc thường từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng hoặc thậm chí nhiều hơn, có hợp đồng nhận tiền cọc đầy đủ trông chuyên nghiệp và đáng tin.
Tuy nhiên, những điều khoản trong giấy nhận tiền cọc có rất nhiều vấn đề. Nếu không cẩn thận xem kỹ thì người thuê đã chính thức dính bẫy của chúng.
"Trống phòng nào thì giao phòng đó", cho nên phòng hôm nay xem là một kiểu, phòng lúc giao có thể là một kiểu khác. Các tiền phí điện nước, phí sinh hoạt không được nêu rõ, và nếu bên B (người thuê) đơn phương chấm dứt hợp đồng thì mất trắng tiền cọc. Dựa vào đó, chủ thuê sẽ dùng mọi cách làm khó dễ để ép người thuê không thuê phòng nữa, vậy là chúng sẽ ăn trọn số tiền cọc.
Cách làm khó dễ của chủ thuê thì vô số. Ngày ký hợp đồng nhận phòng, người thuê được thông báo các mức phí điện nước, wifi cao một cách vô lý, các sự thỏa thuận lúc xem phòng đều bị phủ nhận, đòi hỏi các giấy tờ không cần thiết như hộ khẩu, giấy đăng kí kết hôn...
Ngậm ngùi đành bỏ phòng, người thuê không những không có chỗ ở mà còn mất cả số tiền cọc mình đã đưa.
Lừa tiền cọc bằng cách đưa phòng khác với ban đầu
Đây cũng là một chiêu trò thường thấy của các chủ trọ. Quá trình lừa để người thuê đặt tiền cọc thường theo kịch bản như phía trên. Đến ngày hẹn nhận phòng, chủ trọ sẽ áy náy thông báo rằng phòng đó gặp vấn đề nào đó (bị hư, người ở cũ không dọn ra nữa, ...) và "bồi thường" cho khách bằng một phòng khác tiện hơn.
Căn phòng được "bồi thường" này không những đắt hơn mà còn có nhiều chi phí linh tinh khác. Hoặc tệ hơn rất nhiều so với phòng đã xem. Khi không muốn thuê nữa thì theo như hợp đồng đặt cọc, tiền cọc sẽ bị mất 100%.
Lừa tiền cọc bằng địa chỉ ma
Khác với 2 mánh trên, quá trình lừa gạt của trường hợp này vô cùng đơn giản. Vẫn là thuyết phục người thuê đặt tiền cọc và có những giấy tờ làm tin. Đến ngày đi ký hợp đồng nhận phòng, địa chỉ đã hẹn trước lại là một địa chỉ ma. Không tìm thấy người, không nhận được phòng, người thuê đành ấm ức mất số tiền đã cọc.
Tăng giá tiền hằng tháng bất thường
Đây là một chiêu trò tinh vi hơn vì ban đầu sẽ rất khó để nhận biết. Thông thường chủ trọ sẽ rất nhiệt tình và đưa ra giá phòng cùng những chi phí hàng tháng cực kì ưu đãi cho sinh viên như tiền nước 70.000đ/1 tháng, tiền điện theo giá nhà nước, tiền giữ xe 100.000đ. Tuy nhiên, khi vừa ở được vài tuần đến một tháng thì chủ trọ sẽ kêu ca tiền điện, tiền nước tăng và bắt người thuê đóng tiền nước lên đến 100.00đ – 150.000đ/người và tăng tiền giữ xe, tiền rác liên tục. Nếu người thuê chịu không nổi chi phí quá cao thì phải tự chuyển đi và mất cọc.
2Một số cách phòng tránh bị lừa đảo khi thuê phòng trọ
Tìm hiểu thông tin về nơi định thuê thật kỹ càng bằng cách tra thông tin số điện thoại, địa chỉ cho thuê... trên mạng để kiểm tra xem có phải lừa đảo hay không..
Tham khảo ý kiến người dân xung quanh về chủ trọ, khảo sát an ninh vài ngày về khu vực cho thuê trọ
Đi xem trọ cùng với 2 - 3 người bạn khác
Trước khi đồng ý đóng tiền cọc để thuê, nên hỏi kỹ các thông tin: giờ đóng cửa, chi phí một tháng khoảng bao nhiêu, có tăng tiền thuê không, có những quy định nào, có thêm chi phí nào, đồ đạc bị hỏng thì ai sửa chữa, phải ở ít nhất bao nhiêu tháng… để tránh bị mất thêm tiền vô lý.
Giấy đặt cọc - biên lai cọc giữ phòng phải chi tiết và đầy đủ thông tin của chủ phòng, giá cả, điều kiện kèm theo, phải có chữ của hai bên và tiền cọc chỉ được tối đa 50% tiền phòng của một tháng. Đọc thật kỹ các điều khoản trước khi ký tên.
Nếu bạn là sinh viên, nên nhờ sự hỗ trợ tìm trọ của người quen hoặc Đoàn, Hội, các tổ chức hỗ trợ sinh viên của trường.
Đây là một số chia sẻ về các mánh khóe lừa gạt tiền khi thuê nhà trọ và cách phòng tránh. Với những chia sẻ trên, hi vọng bạn sẽ trang bị đủ những thông tin và kinh nghiệm khi đi tìm phòng trọ. Chúc bạn tìm được phòng như ý.
Trích nguồn từ : bachhoaxanh.com